Hành Trình Gây Dựng Cơ nghiệp Bạc Tỷ Của Bún Nguyễn Bính

(DĐDN) – Nặng duyên với nghề truyền thống của gia đình, vượt qua mặc cảm và những khó khăn thương trường, bà Nguyễn Bính đã gây dựng nên thương hiệu bún sạch nức tiếng Sài Gòn và một số tỉnh lân cận.

Để có được thương hiệu bún sạch nức tiếng Sài Gòn và được doanh nghiệp nước bạn định giá 100 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Bính, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Nguyễn Bính đã phải trải qua hành trình gây dựng cơ nghiệp đầy gian nan. Cuộc trò chuyện với bà tại căn nhà riêng trong một con hẻm nhỏ ở quận Tân Bình liên tục bị đứt quãng bởi những cuộc điện thoại đặt hàng và giao bún. 
Buổi đầu không suôn sẻ… 
Bà Bính không muốn chia sẻ doanh số bán hàng cụ thể, nhưng xưởng làm bún tại nhà rộng chừng 350 m2, các công nhân luôn bận rộn. Một nguồn tin cho hay, trong khoảng gần 500 lò bún ở đất Sài Gòn thì xưởng bún Nguyễn Bính đang chiếm thị phần áp đảo, với lượng bún đưa ra thị trường không dưới 1.000 tấn/tháng. 
Vừa trò chuyện vừa nghe điện thoại đặt hàng, bà Bính phân trần: “Nghề này vất lắm em ạ. Đã là cái duyên, cái nghiệp thì chị phải theo thôi”. Bà Bính không biết rõ nghề gia truyền này đã có tự khi nào, nhưng cũng đã không dưới 5 đời trong gia đình bà theo nghiệp này. Những nhọc nhằn của nghề làm bún khiến bà không muốn nối nghiệp cha ông. Chủ động đi học cơ khí, học điện và sau này là học quản trị kinh doanh cũng là bởi bà Bính muốn… “thoát” khỏi cái nghiệp gia truyền. Thế nhưng sau khi trải nghiệm nhiều nghề, từ cơ khí, điện, đến thợ cắt tóc, trang điểm và cả bán thịt lợn… bà trăn trở nhiều hơn về cái nghề đã nuôi sống bao thế hệ trong gia đình. “Bố chị lúc nào cũng mong muốn con gái nối nghiệp cha ông. Chắc cũng là cái duyên nữa. Bố chị tuổi Tuất mà chị cũng tuổi Tuất, ông thương chị lắm và nếu chị theo nghiệp gia đình thì ông sẽ rất tự hào”, bà Bính rơm rớm nước mắt khi nhớ về người cha quá cố của mình. Cũng vì thương cha, bà quyết định gom hết vốn liếng tích cóp được để bắt đầu lại nghiệp làm bún sạch. Đó là năm 1999, khi bà 29 tuổi. “Số vốn 100 triệu đồng lúc đó lớn lắm, có thể mua được cả căn nhà to. Vậy mà làm bún trong vòng 1-2 tháng, chị gần như mất sạch, chỉ còn vỏn vẹn 6 triệu đồng”, bà Bính nhớ lại hành trình làm bún sạch gian nan của mình. 

Bún Nguyễn Bính hiện phủ khắp TP.HCM, có mặt ở hầu hết các chợ truyền thống, các kênh bán lẻ hiện đại và còn vươn ra nhiều tỉnh bạn

Bà Bính kể do không biết phải xin giấy phép kinh doanh thế nào, cũng không biết phải trang bị hệ thống xả thải làm sao, mới kinh doanh được vài tháng bà đã bị kiện cáo rồi bị tịch thu hết đồ nghề. Bắt tay làm lại từ đầu, bà quyết định tự làm rồi trực tiếp ngồi ở chợ để bán chứ không đem đi bỏ mối nữa. Thế nhưng hành trình đưa cọng bún sạch không hóa chất ra thị trường ở những ngày đầu cũng không hề đơn giản. Có hàng trăm sạp bún cùng bán ở chợ, cạnh tranh hết sức khốc liệt. Ban đầu không ai mua bún của bà do sợi bún xỉn màu, không trắng đẹp như bún tẩm hóa chất. Bà Bính phải vừa bán, vừa tặng người ta đem về ăn thử. Thế rồi tiếng lành đồn xa, người ta thấy bún của bà sợi dai, ngon nên kéo tới mua nườm nượp khiến các sạp khác bị ế. Người ta gọi điện đe dọa bà, rồi bôi cả phân lên sạp hàng của bà. Sự cạnh tranh không lành mạnh đó không làm cho bà nản lòng mà càng khiến bà phải quyết tâm làm cho được những sợi bún sạch để cung cấp cho thị trường. Bản lĩnh vững vàng của người con gái quê Hà Tây (cũ) đã khiến thương hiệu bún Nguyễn Bính ngày càng vang xa, những nhà hàng, bếp ăn công nghiệp đều chủ động liên hệ với bà để mua bún. Có ngày bà bán cả tấn bún ra thị trường. 

… Đến ngày thái lai

Đơn hàng ngày càng nhiều, bà Bính phải tuyển thêm công nhân và mở rộng xưởng sản xuất. Những kiến thức từ việc học và làm cơ khí trước đó đã hỗ trợ cho bà Bính rất nhiều trong nghiệp làm bún sau này. Chính bà là người đầu tiên đưa công nghệ lò hơi vào sản xuất bún. Bà Bính cũng tự chế tạo dây chuyền sản xuất bún tự động với công suất lên tới 700 kg bún/giờ. 

Khi việc sản xuất đã đi vào ổn định, bà Bính lại gặp khó khăn về quản lý công nhân. Để sợi bún dai, ngon mà không dùng hóa chất, mỗi thương hiệu bún đều phải có bí quyết riêng. Người ta thấy bà Bính làm bún sạch đắt hàng nên tìm mọi cách “mua” hết công nhân của bà về khiến việc sản xuất liên tục gián đoạn. Thế nhưng trong rủi cũng có cái may, đây là dịp để bà Bính huy động các thành viên trong nhà vào cùng làm việc và nhân đó truyền dạy nghề cho hai cậu con trai. “Học gì thì học cũng không bằng học từ thực tế em ạ. Nhiều ông tiến sĩ đào tạo mất tiền tỷ, nhưng về Việt Nam cũng có người không sống nổi bằng đồng lương của chính mình”, bà Bính nói. 

Hiện nay, cậu con trai đầu của bà Bính, dù mới tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng đã có thể phụ giúp mẹ nhiều việc. Cậu cũng hăng hái phụ mẹ đi chào mối, nhưng công suất hiện nay không đủ cung ứng ra thị trường nên bà Bính không dám nhận thêm đơn hàng. “Chị muốn đưa xưởng sản xuất vào khu công nghiệp, diện tích ít nhất cũng phải 1.000 m2, thế nhưng do thiếu vốn nên việc mở rộng quy mô vẫn chưa thể thực hiện được”, bà Bính cho hay. 

Bún Nguyễn Bính hiện không chỉ phủ khắp TP.HCM, vào hầu hết các chợ truyền thống, các kênh bán lẻ hiện đại mà còn đi cả Bình Dương và Vũng Tàu. Để sợi bún đi xa hơn, bắt buộc phải đầu tư thêm dây chuyền sản xuất tại những tỉnh thành khác do rất khó vận chuyển bún sạch đi xa. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có thêm vốn đầu tư. Bà Bính cũng đã nghĩ tới việc kêu gọi vốn cổ phần từ nhà đầu tư bên ngoài, nhưng không dễ dàng gì. 

Năm ngoái, bún Nguyễn Bính được một doanh nghiệp Thái Lan định giá 100 tỷ đồng và ngỏ ý mua lại 60% cổ phần, nhưng bà Bính không bán. “Tôi muốn hoặc là bán hết 100%, hai là chỉ bán 30%. Doanh nghiệp kia họ muốn nằm quyền kiểm soát, nhưng lại không biết làm bún thế nào nên vẫn muốn dựa vào tôi. Tôi mà làm thì chắc chắn sẽ phải nắm quyền kiểm soát”, bà Bính quả quyết và cho hay, nếu có doanh nghiệp trong nước ngỏ ý mua 49% cổ phần trở xuống thì bà sẽ bán để có thêm vốn đầu tư mở rộng sản xuất. 

Bí quyết thành công của bún Nguyễn Bính
* Nắm vững công nghệ sản xuất do là nghề gia truyền nhiều đời
* Sản phẩm hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay: sạch, không hóa chất
* Biết áp dụng công nghệ vào qui trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng

THƯ NGỎ

Lời cám ơn các bạn đã quan tâm bún sạch Nguyễn Bính.

Bún Tươi bún sạch tại Thành Phố Hồ Chí Minh

"Bún tươi" là một loại mỳ trắng và mềm, thường được làm từ gạo. Nó là một...

Bà chủ bún sạch Nguyễn Bính trăn trở với cơ nghiệp gia đình

Kinh tế đang khó khăn, người bán càng cò kè so giá, bún Nguyễn Bính không thể cạnh...

Nấu món gì đổi vị cho cả gia đình khi giãn cách?

Nếu bạn đang đau đầu chưa biết nấu món gì đổi vị cho cả gia đình khi giãn cách...

Gợi ý món ăn sáng ngon, dễ làm cả tuần cho cả nhà

Tham khảo những gợi ý được chia sẻ dưới đây, bạn sẽ dễ dàng biết thêm nhiều...

Bánh phở tươi gia truyền để nấu món ngon

Bánh phở là nguyên liệu chính để tạo nên các món phở. Ngoài những thành phần...

Hướng dẫn cách nấu mì Quảng đúng chất miền Trung

Những ai yêu thích mì Quảng thì đừng bỏ qua bài viết hướng dẫn cách nấu mà Bún...

Bánh canh là một món ăn dân dã hay quý tộc?

Đây là loại banh canh được làm từ bột gạo. Thông thường, sợi bánh canh bột gạo...

Vì Sao Khi Ăn Bún Lại Cảm Thấy Đầy Bụng Khó Tiêu?

Có nhiều người mỗi khi ăn bún thì lại có cảm giác cồn cào ruột, khó chịu trong...

Món ăn truyền thống - Sạch và an toàn - Ngại gì không đặt!!

Bún, phở, bánh canh là những món ăn khá quen thuộc với người Việt. Những ngày chán...