Nguyên Liệu
- Tôm tươi: 400g
- Mực: 100g
- Nghêu: 200g
- Thịt bò: 100g
- Gừng: 10g
- Muối: 20g
- Nước: 1 lít
- Dầu ăn: 20ml
- Bún tươi: 500g
- Nấm kim châm: 50g
- Hành tím băm: 15g
- Sả băm: 30g
- Cà chua: 150g
- Sa tế: 50g
- Nước cốt me: 50ml
- Hạt nêm: 10g
- Đường trắng: 40g
- Nước mắm: 20ml
- Lá chanh: 5 lá
- Riềng: 10g
Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế Nguyên liệu
Tôm rửa sạch, tách phần đầu để riêng.
Mực bóp với chút rượu trắng và gừng để khử mùi rồi rửa sạch, để ráo.
Nghêu ngâm với nước có pha vài trái ớt xắt hoặc nước vo gạo để nghêu nhả hết bùn cát.
Sau đó vớt ra rửa sạch, để ráo.
Thịt bò thái mỏng, cho vào thố, để vào tủ lạnh giữ cho thịt tươi.
Nấm kim châm bỏ gốc, ngâm muối, rửa sạch rồi để ráo.
Cà chua thái múi cau.
Riềng cạo vỏ, thái sợi.
Lá chanh rửa sạch.
Bước 2: Nấu nước dùng
Cho đầu tôm vào nồi với 1 lít nước, thêm gừng và 1/2 muỗng cà phê muối, nấu với lửa nhỏ khoảng 30 phút. Vớt bọt thường xuyên để nước dùng trong.
Bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn rồi cho hành tím, riềng, sả vào phi thơm. Tiếp đến, cho sa tế và cà chua vào xào chín để bún Thái có màu đỏ đẹp mắt.
Cho hỗn hợp vừa xào vào nồi nước dùng, thêm lá chanh và đậy nắp nấu ở lửa vừa.
Khi nồi nước dùng bún Thái sôi, nêm vào nồi 50ml nước cốt me, 15g muối, 10g hạt nêm, 40g đường và 20ml nước mắm. Vừa nêm gia vị vừa khuấy đều. Sau đó nếm thử nước dùng và điều chỉnh gia vị theo khẩu vị là được. Đun đến khi nước sôi lại thì tắt bếp.
Bước 3: Hấp hải sản
Đun sôi nồi nước, cho tôm, mực, nghêu và gừng vào hấp khoảng 10 phút, đến khi hải sản vừa chín tới thì tắt bếp. Không nên hấp lâu, hải sản bị dai, món bún Thái sẽ không ngon.
Bước 4: Trình bày và thưởng thức
Xếp bún vào tô, trụng chín thịt bò và nấm kim châm, thêm tôm, mực, nghêu rồi chan nước dùng nóng vào. Món bún Thái hải sản ăn kèm rau cải cúc, bắp chuối và chấm kèm muối ớt xanh rất ngon.
Giá trị dinh dưỡng của món bún Thái
Bún Thái với các nguyên liệu từ thịt bò, hải sản và các loại rau rất bổ dưỡng cho người ăn. Thịt bò là thực phẩm tuyệt vời trong chế độ ăn uống lành mạnh, bởi nó cung cấp nhiều protein chất lượng cao và các vitamin, khoáng chất khác nhau, giúp cải thiện sự tăng trưởng và duy trì cơ, giảm nguy cơ thiếu máu.
Cũng như thịt bò, tôm chứa nguồn protein dồi dào, các khoáng chất và vitamin như sắt, canxi, kẽm, photpho, selen, đồng, vitamin E, B12… Không chỉ vậy, axit béo omega-3 trong tôm cung cấp DHA, giúp phát triển não bộ trẻ em cũng như tăng cường sức khỏe cho người lớn.
Mực là thực phẩm được ưa chuộng nhờ ít chất béo. Ăn mực giúp bổ sung protein hiệu quả, tăng cường miễn dịch, tăng cường hệ xương, an thần, bổ sung cơ bắp, ngăn ngừa thiếu máu, tăng sữa, bổ mắt và ngăn ngừa nhiều bệnh lý liên quan tới huyết áp, tim mạch.
Nghêu có giá trị dinh dưỡng cao, giúp cơ thể bổ sung nhiều chất tăng cường hệ miễn dịch, chống được nhiều bệnh như viêm khớp, điều tiết nồng độ đường trong máu, giúp răng lợi khỏe mạnh, tốt cho tuyến giáp và hoạt động tình dục… Dinh dưỡng trong nghêu còn tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể.
Cách nấu bún Thái khá công phu vì cần chuẩn bị nhiều nguyên liệu, nhưng với hương vị thơm ngon đặc trưng, vị chua ngọt của nước dùng, một chút cay của gừng, ớt, vị thơm của lá chanh ăn kèm rau cải cúc, bắp chuối tạo nên một bữa ăn ngon miệng, không hề uổng công sức chế biến.
- THƯ NGỎ (12.06.2022)
- Giá Trị Văn Hóa Của Bún Tươi Trong Ẩm Thực Việt Nam (20.11.2024)
- Bún Tươi bún sạch tại Thành Phố Hồ Chí Minh (09.11.2023)
- Bà chủ bún sạch Nguyễn Bính trăn trở với cơ nghiệp gia đình (16.08.2022)
- Nấu món gì đổi vị cho cả gia đình khi giãn cách? (23.06.2021)
- Gợi ý món ăn sáng ngon, dễ làm cả tuần cho cả nhà (15.06.2021)
- Bánh phở tươi gia truyền để nấu món ngon (08.06.2021)
- Hướng dẫn cách nấu mì Quảng đúng chất miền Trung (22.05.2021)
- Bánh canh là một món ăn dân dã hay quý tộc? (14.05.2021)
- Vì Sao Khi Ăn Bún Lại Cảm Thấy Đầy Bụng Khó Tiêu? (07.05.2021)